2021: Covid và Metaverse

Bối cảnh

Đại dịch Covid đã hoành hành toàn cầu từ năm 2019 cho đến nay, và kết quả nó mang đến không chỉ là hàng triệu người chết, mà còn tác động sâu sắc đến nền kinh tế cũng như nền văn hoá của chúng ta. Tính riêng ở Việt Nam, có rất nhiều ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, mà không ít trong số đó, cho đến nay vẫn chưa thể gượng dậy nổi, chẳng hạn như du lịch, hàng không, giáo dục, các nhà máy sản xuất công nghiệp,... 

Ở thời điểm ban đầu dịch bùng phát ở Việt Nam, khi chúng phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, nhiều người vẫn bảo nhau cố gắng trong một thời gian nữa thôi, để có thể quay lại cuộc sống như lúc trước. Nhưng đến bây giờ, hầu hết lại chấp nhận phải sống chung với dịch, trong trạng thái bình thường mới, và không ai dám chắc đến bao giờ dịch mới hết. Sự âm thầm chấp nhận đó cho thấy niềm tin, thói quen và cả văn hoá sinh hoạt hàng ngày của chúng ta đã và đang thay đổi. 

Trên phương diện kinh tế, các công ty thương mại điện tử lớn ở Việt Nam một mặt nắm bắt được sự thay đổi tâm lí này, mặt khác rất nhanh chóng định hướng thói quen tiêu dùng mới cho khách hàng, kết quả là đã tung ra các tính năng, dịch vụ như Tikingon để phục vụ các mặt hàng sản phẩm tươi sống, hay Tikipro với đội ngũ lắp đặt các mặt hàng điện gia dụng cho khách hàng; những thứ trước đây vốn chỉ có ở những cửa hàng truyền thống, nay đã xuất hiện trên các sàn TMĐT. 

Tương tự là các ngành nghề sản xuất công nghiệp. Mặc dù vẫn chưa có lời giải cho việc thiếu hụt lực lượng lao động và khôi phục lại hoạt động sản xuất cho các nhà máy, nhưng đối với giới công sở, văn phòng thì ngày càng nhiều người đã chấp nhận và làm quen với việc làm việc tại nhà. Tuy chỉ mới nghỉ việc trong thời gian ngắn, nhưng khi các thành phố lớn chuẩn bị mở cửa trở lại, hàng loạt người lao động cho biết rằng họ chưa sẵn sàng và không muốn quay lại công sở nữa!

Dần dần, người dùng sẽ quen với việc nằm nhà và sử dụng điện thoại thông minh để đặt mọi loại hàng hoá, thay vì phải tung tăng trên từng dãy hàng ở siêu thị. Và giới công sở sẽ đòi hỏi quyền được làm việc tại nhà. Khi đó có thể khẳng định, công nghệ đã thay đổi hành vi của chúng ta rồi.

Metaverse ra đời

Trong bối cảnh như vậy, Mark Zuckerberg đã công bố dự án Metaverse. Với sản phẩm này, người dùng có thể "sống" một cuộc sống khác trên thế giới ảo, với sự hỗ trợ của công nghệ AR và VR. Họ có thể tham gia một phòng họp ảo, chơi game, hay thậm chí mua bán các hàng hoá kĩ thuật số trên không gian ảo này. Có thể thấy dự án này một mặt giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian cho việc di chuyển vật lí, mặt khác tăng năng suất làm việc, hay tăng tính tiện lợi và trải nghiệm cho khách mua hàng.

Một ví dụ điển hình cho công nghệ này là Pokemon Go, trò chơi mới đây thôi đã làm mưa làm gió trên toàn thế giới. 

Hệ quả

Nghe khá thú vị phải không? Vậy hãy nói đến một số khía cạnh khác của cuộc sống nhé.

Đầu tiên là giáo dục. Lần đầu tiên trong lịch sử, các em phải khai giảng online. 

Các em học sinh hân hoan trong ngày khai giảng
 
Bây giờ: 
H: Các em có phải lên lớp không? 
Đ: Không, chỉ cần ở nhà mở máy tính lên điểm danh là được.
H: Các em có được nói chuyện riêng trong lớp không?
Đ: Không, nhưng nhắn tin thì không sao, có trời mới bắt được :D 
H: Các em có cần phải trốn học để chơi net không? 
Đ: Không, sẵn máy tính mở game lên quẩy luôn :D 
H: Các em có được đi ăn chè với ae sau khi tan học không?
Đ: Không, nhưng đặt bà bán chè ship tới nhà thì được :D 

Trốn học chơi net giờ xưa rồi

Xin khẳng định, đây không phải là lỗi, mà là nỗi lo của chính những người làm giáo dục. Mình tin rằng, hơn ai hết, người làm giáo dục muốn thầy cô và các em được đến trường, được lên lớp. Nhưng vì sự nguy hiểm của Covid, vì chương trình học không thể dừng lại dù chỉ một tháng, nên họ đành phải chọn giải pháp tạm thời là học online. Rất hy vọng và tin rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời chứ không phải là thay thế, dù là thay thế một phần đi chăng nữa.

Tiếp theo, là các khía cạnh khác không được quan tâm một cách nhân văn như giáo dục, như du lịch và giải trí. 

Chắc chắn du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đến nỗi bay màu ngay thời kì đầu đại dịch, và đến giờ vẫn chưa biết ngày được hoạt động ổn định trở lại. Đã có những chính sách, quyết định mở cửa và khuyến khích du lịch ở nhiều tỉnh thành, nhưng du lịch vẫn như đang đi trên dây. Du khách chưa sẵn sàng để đi, người dân địa phương chưa sẵn sàng đón tiếp du khách, tất cả đều vì rủi ro Covid, cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn cho ngành này. 

Vậy giải pháp tạm thời là gì? Chính là du lịch online chứ gì nữa! Chỉ cần bật máy tính lên và đeo kính VR vào, không tốn chi phí, không cần mỏi mông chạy xe hàng trăm cây số, bây giờ chúng ta có thể du lịch khắp nơi, không chỉ trong nước mà còn khắp cả thế giới. Hmm, vậy là giấc mơ đi châu Âu của tôi đã thành sự thật "ảo" rồi (Virtual reality makes my dream come virtual true - bắn tiếng Anh tí :D). Và lâu dần, người ta sẽ quên nắng, gió, bụi và vị mặn của biển trên cung đường đi Cam Ranh nhanh thôi.

Còn về giải trí, tạm chỉ nói về thể thao thôi. Đơn giản là sau một ngày học tập, làm việc mệt mỏi, thì việc nằm ườn trên salon, đeo VR để bắn súng hay chơi game boxing sẽ sướng hơn việc phải hành xác chạy hùng hục dí theo trái bóng ngoài sân banh rồi :D 

Đây là tác giả sau một buổi sáng bị hành xác :D

Một khi Metaverse được trình làng, mình tin sẽ có rất nhiều người sử dụng, dù cho họ có hứng thú hay không. Vì thứ nhất, ở thời điểm hiện tại, công nghệ đang lên ngôi, chắc chắn sẽ làm thay đổi hành vi của một tập người dùng, từ đó cộng đồng sẽ dần thay đổi theo. Và thứ hai, số lượng cừu như tôi luôn chiếm đa số. 

Bạn nghĩ mình đủ mạnh mẽ để đứng ngoài các xu hướng do những tên tay to kia vẽ ra, rằng mình có thể tạo nên xu hướng riêng, hay vẫn đủ kiên định để giữ lại những thứ truyền thống xưa cũ? Rất nhiều người muốn chuyển sang mạng xã hội khác sau những bê bối của Facebook, nhưng họ đợi, cho đến khi bạn bè của họ cũng rời đi. Tôi đợi bạn, bạn đợi tôi, và chúng ta đưa tay đây nào, mãi đợi nhau bạn nhé :D 

Comments

Popular posts from this blog

[Kiến trúc máy tính] Phần 1: Từ tín hiệu sóng điện từ đến phần mềm máy tính

Chặng đường thứ nhất: Toán học và khát khao

Hợp và tan